Viết cho tuổi ba mươi

Posted on 09/01/2012

0



Ba mươi tuổi là ngưỡng tuổi mà người ta phải định hình cuộc đời mình tương đối.
 
Thực chất cột mốc 30 tuổi thường sắm vai một chiếc bản lề cuộc đời, vào lúc chưa cần phải tra dầu mỡ hay tiếp thêmglucosamine, nếu coi xương khớp con người cũng là một loại bản lề.
 
Là một nhà văn phương Đông điển hình, 30 tuổi, Nguyễn Tuân xuất bản tập “Vang bóng một thời”, tác phẩm lập tức đã tạo tên tuổi vang lừng cho ông tới thời hiện đại. Cùng số tuổi ấy, nhà văn Pháp gốc Séc Milan Kundera ra mắt tập truyện ngắn “Những mối tình nực cười”, khẳng định đường văn tiểu thuyết rực rỡ của ông sau quãng thời gian loay hoay với âm nhạc và sân khấu.
 
Dãi dầu nhiều năm với gỗ, hay cà-phê, cả Đoàn Nguyên Đức lẫn Đặng Lê Nguyên Vũ đều phất lên ở tầm tuổi 30 để sau đó kiến tạo một doanh nghiệp đầu ngành. Ba mươi tuổi cũng là năm Nguyễn Thị Mai Thanh được bổ nhiệm Tổng Giám đốc REE, một trong những blue chip đầu tiên trên sàn chứng khoán.
 
Độ tuổi 30 đã mang lại giải thưởng đầu tiên và danh vị Giáo Sư Toán học cho Ngô Bảo Châu, cũng là khoảng thời gian mà ngày nào Trịnh Công Sơn lãng đãng lên ngôi ông hoàng của nhạc trữ tình Việt Nam.
 
Ba mươi tuổi, được xác nhận là “điểm rơi” khi Andre Maurois viết “Thư ngỏ gửi tuổi đôi mươi”, rằng “Hai mươi tuổi mà không ước mơ, ba mươi tuổi bạn sẽ không có nổi bản lĩnh để làm một anh cai cứu hoả nữa”.
 
Không phải tự nhiên mà quan niệm “tam thập nhi lập” đã trở nên phổ biến như một tổng kết đầy áp lực – những người tài hầu như đều thành danh hoặc xác quyết con đường sự nghiệp dù sớm hay muộn quanh tuổi này.
 
Vì sao lại là tuổi ba mươi?
 
Trong tiểu thuyết võ hiệp, nếu không gặp cơ duyên hiếm có như trượt chân rơi xuống vực nhặt được bí kíp luyện kiếm hay bỗng dưng lơ ngơ được kỳ nhân truyền cho vài chục năm công lực, các hiệp khách thường phải đợi tới tầm ngoài ba mươi để đủ hoả hầu đi bôn tẩu giang hồ, như Tiểu Lý Phi Đao Lý Tầm Hoan (Cổ Long) hay Tiếu Ngạo Lệnh Hồ Xung (Kim Dung).
 
Tuổi 30 là ngưỡng tâm sinh lý cân bằng ổn định của con người. Không non nớt ngây ngô như lúc vừa ra trường, cũng chưa hình thành định kiến bền chắc như ngưỡng cửa trung niên, tuổi 30 cho phép khả năng hiện thực hóa ước mơ trở nên đầy đặn nhất. Suy nghĩ đạt độ chín, sáng tạo biết chọn lọc tính khả thi, sức khoẻ còn tràn trề sinh lực, tuổi 30 còn là khi con người bắt đầu biết tận dụng những “ngoại lực” quý báu là quan hệ xã hội dần dần rộng rãi và tích luỹ tài chính bắt đầu dồi dào.
 
Đối với con người, 30 tuổi dù là nam hay nữ cũng là lúc ổn định tình trạng hôn nhân. Hoặc là vĩnh viễn độc thân, hoặc là vài năm sau đề huề con cái. Sức khoẻ sinh sản cũng “màu mỡ” nhất trong giai đoạn 25-35 tuổi, chưa kể sự chín chắn nhất định trong suy nghĩ và hành động vào lúc này giúp quá trình nuôi dưỡng con trẻ thuận lợi nhất.
 
Nền kinh tế mở bước vào độ tuổi 30
 
Năm 2012, đất nước đã bước vào ngưỡng 25-35[1], tính từ năm 1986 của bước ngoặt “Đổi Mới”, thời điểm thường được coi như cột mốc khai sinh ra thị trường mở đầu tiên của nền kinh tế kể từ khi nước nhà độc lập. “Mở cửa” cho hàng hoá mậu dịch hai chiều, “mở cửa” với các thành phần kinh tế khác nhau thả sức vận động, “mở cửa” để các mô hình pháp lý của các chủ thể kinh doanh trong và ngoài nước được thừa nhận.
 
Sau hai thập niên đầy hứa hẹn với những thành tựu sáng chói, quá trình phát triển đất nước bắt đầu le lói những dấu hiệu đáng quan ngại. Lần đầu tiên, trong quá trình thảo luận Báo cáo Phát triển Việt Nam 2012 (Ngân hàng Thế giới), xuất hiện một câu hỏi khiến chúng ta phải suy nghĩ: “vì sao một đất nước ấn tượng nhường ấy lại trở nên bình thường”?
 
Tìm hiểu nguyên nhân của những thành tựu, một trong những lợi thế được chỉ ra là xuất phát điểm của người đi sau, từ một cái nền thật thấp. Trong giai đoạn đầu, các nền kinh tế nghèo thường tăng trưởng mạnh hơn bởi khả năng đón nhận công nghệ được chuyển giao (kể cả loại đã lỗi thời) và một lực lượng lao động đông đảo (và rẻ) đến từ nông thôn.

Vì thế, nhìn vào những con số tăng trưởng của Việt Nam trong tương quan so sánh với các quốc gia khác trong thời kỳ đầu kiến tạo nền kinh tế của họ, nhiều chuyên gia quốc tế nhún vai cho rằng không có gì vượt trội. Không bì với mức trung bình của Trung Quốc trong 32 năm (1979-2010) vào khoảng 15,8% (theo giá so sánh), song có thể thấy nhiều quốc gia trong khu vực từng đạt tỷ lệ ngang ngửa Việt Nam khi ở cùng cấp độ phát triển. Một số hiện tượng cá biệt như Hàn Quốc và Đài Loan, cùng bật lên trong giai đoạn 1960-1990, thì vượt xa mức tăng trưởng này. Không có gì ngạc nhiên khi nhìn thấy họ đạt tới mức sống của các nước OECD chỉ sau hơn 20 năm, nhưng điều thú vị là họ không dừng bước ở những thành quả ấy.

 Một điểm khác biệt với chặng đường phát triển của các nước láng giềng là sau một thời gian tăng trưởng nóng nhưng không vững chắc, Việt Nam lại đang đứng trước bối cảnh đầy cam go thách thức của một môi trường toàn cầu đầy biến động. Chỉ trong vòng có 4 năm qua, thế giới phải chứng kiến đủ loại “khủng hoảng”, từ bão tài chính tới thảm hoạ sóng thần và khủng hoảng hạt nhân, và mới nhất là cơn khủng hoảng nợ công tại nhiều quốc gia.

Tương tự như tuổi sinh sản của con người, Việt Nam hiện đang bước vào giai đoạn “dân số vàng” với độ tuổi lao động trung bình dưới 30. Lứa tuổi tràn trề khát vọng và hứa hẹn sáng tạo. Song ưu thế tự nhiên sẽ không đủ nếu không đi kèm theo một xác quyết đưa mình cất cánh, cùng một lộ trình phát triển mang tính chiến lược mà trong đó, sự giải phóng các nguồn lực trong “cơ thể” đất nước lại chính là một nguồn lực quan trọng. Một “nguồn lực” quan trọng khác, mà vì mục đích tăng trưởng bằng mọi giá nên lâu nay bị xem nhẹ, là khả năng ưu tiên tối đa nguồn lực cho các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh nhất của đất nước. Năm 2012 là một năm bản lề để Việt Nam thể hiện sự giải phóng nguồn lực, tương tự như cách đi tới thành công của cột mốc 1986; và khả năng ưu tiên chọn lựa những ngành xương sống cho nền kinh tế trong tương lai, dựa trên những nghiên cứu bài bản về lợi thế so sánh với các quốc gia khác trong sân chơi toàn cầu.
 
Xin mượn ý của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trong lễ kỷ niệm 40 năm ngày lập quốc: “Đừng nghĩ về 40 năm vừa qua, chúng ta hãy cùng suy nghĩ 40 năm sau Singapore sẽ trở nên như thế nào?”. Chắc chắn rằng vào năm 2015, Việt Nam sẽ khó có thể lặp lại lời nhận định đầy cảm thông về một “đất nước chịu nhiều cuộc chiến”, vì vào lúc đó,  ngày thống nhất đất nước đã đủ 40 năm. Lúc đó, thế hệ sinh sau chiến tranh đã phải bước vào giai đoạn khẳng định thành công ở nhiều lĩnh vực, dù là chính trị, văn hoá-nghệ thuật, hay kinh doanh. Ở độ tuổi 40, trên thế giới, phần lớn những bộ trưởng, nhà văn, đạo diễn hay doanh nhân đã đi quá nửa đường để tới đỉnh cao sự nghiệp. Tương tự như vậy, những quốc gia khẳng định được tầm vóc ngày nay hầu hết đều vượt lên chính mình trong khoảng 40 năm sau ngày chiến tranh kết thúc.
 
Hãy tin Việt Nam sẽ cả quyết chọn lựa con đường phát triển ở thời điểm này để vượt khỏi vị thế của một nước trung bình, bởi sẽ không còn cơ hội nào tốt hơn năm 2012 để làm điều đó.
 

 


[1] Ngân hàng Thế giới gọi năm 2011 là “Lễ Kỷ niệm Bạc”, đánh dấu 25 năm sau “Đổi Mới”.